Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

QUAN NIỆM CỦA HỌC SINH

CÂU 1: Trong Vật lý học có một khái niệm rất quan trọng đó là khái niệm "Hệ kín". Em hiểu thế nào về hệ kín? Hãy cho một số ví dụ về hệ kín.

ĐIỀU TRA QUAN NIỆM CỦA HỌC SINH KHI HỌC CHƯƠNG CÁC ĐỊNH LUẬT BẢO TOÀN

Hãy bài tỏ quan niệm của mình về các phần trong chương các Định luật bảo toàn - Vật lý 10, Nâng cao các em nhé. Hãy đăng nhận xét của mình và vui lòng cung cấp thông tin: tên(nếu có thể), lớp, trường đang học, huyện, tỉnh thành. Xin chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp của em học sinh.

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

DẠY HỌC KIẾN TẠO VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA CNTT

1. Đặt vấn đề
Đổi mới phương pháp dạy học là một trong những mục tiêu lớn ngành giáo dục và đào tạo đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Đổi mới phương pháp bắt đầu từ việc cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống theo hướng phát huy tính tích cực của người học, hướng vào người học, khắc phục lối truyền thụ một chiều. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu vận dụng các lý thuyết mới, quan điểm mới về dạy học như lý thuyết tình huống, lý thuyết kiến tạo, dạy học dự án, lấy người học làm trung tâm,…là một hướng được nhiều nhà sư phạm lựa chọn.
Lý thuyết kiến tạo(LTKT) ( Constructivism Theory) đang là một trong những lý thuyết về dạy học vượt trội được sử dụng trong giáo dục. Lý thuyết này khuyến khích học sinh (HS) tự xây dựng kiến thức cho mình dựa trên những thực nghiệm cá nhân và áp dụng trực tiếp vào môi trường học tập của các em. Mỗi cá nhân học sinh là trung tâm của tiến trình dạy học, còn giáo viên (GV) đóng vai trò tổ chức điều khiển và là người đại diện cho tri thức khoa học chính thống, đóng vai trò trọng tài để thể chế hóa tri thức mới của bài học.
Đổi mới phương pháp dạy học sẽ mang lại những hiệu quả vượt trội hơn khi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào tiến trình dạy học. CNTT sẽ kích thích hứng thú học tập thông qua các khả năng kĩ thuật (kĩ thuật đồ họa; công nghệ Multimedia, phần mềm chuyên dụng, các chương trình trình chiếu ....); góp phần tổ chức, điều khiển tiến trình dạy học; hợp lí hoá công việc của thầy và trò. Sự kết hợp giữa các lý thuyết mới và CNTT trong tiến trình dạy học sẽ tạo nên một tiến trình dạy học mới mà trong tiến trình đó người học chủ động, tích cực hơn trong việc xây dựng hệ thống tri thức cho bản thân. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu tiến trình dạy học kiến tạo với sự hỗ trợ của CNTT.
2. Vận dụng LTKT vào dạy học Vật lý với sự hỗ trợ của CNTT
2.1. Tư tưởng của LTKT
Theo quan điểm của LTKT thì tri thức được tạo nên một cách tích cực bởi chủ thể nhận thức chứ không phải tiếp thu một cách thụ động từ bên ngoài. Trong quá trình chiếm lĩnh tri thức bằng kinh nghiệm, kiến thức đã có từ trước thông qua quá trình đồng hóa(Assimilation) và điều ứng (Accomodation) HS sẽ tự xây dựng cho mình một hệ thống tri thức có sắc thái riêng và có khả năng vận dụng hệ thống tri thức này vào giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra.
Theo Piaget đồng hóa là quá trình HS vận dụng kiến thức cũ để giải quyết tình huống mới và sắp xếp kiến thức mới thu nhận được vào cấu trúc kiến thức hiện có. Muốn thế khi tổ chức quá trình dạy học GV cần phải làm cho HS bộc lộ quan niệm của mình về vấn đề học tập, cần tổ chức cho HS hệ thống hóa và khai thác kinh nghiệm cũ nhằm phát triển nhận thức cho bản thân HS và phổ biến cho cả lớp. Để đồng hóa được kiến thức mới và cũ cần phải tiến hành quá trình phân tích, tổng hợp, so sánh,… nhằm đánh giá lại kiến thức cũ từ đó sắp xếp lại hệ thống kiến thức sao cho hoàn thiện, chính xác hơn.
Điều ứng là sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề lý thuyết và thực tiễn. Đây là quá trình mà HS phải thực hiện các thao tác tư duy, làm kiến thức bộc lộ các thuộc tính, bản chất, các mặt mạnh yếu, tìm ra mối liên hệ giữa các yếu tố kiến thức, tính hệ thống của chúng và khả năng vô tận của kiến thức.
2.2. Các loại kiến tạo trong dạy học
Dựa vào bản chất của LTKT có thể phân kiến tạo trong dạy học ra thành hai loại:
Kiến tạo cơ bản (Radial constructivism) đề cao vai trò của mỗi cá nhân trong quá trình nhận thức và cách thức xây dựng tri thức cho bản thân. Mặt mạnh của loại kiến tạo này là khẳng định vai trò chủ đạo của HS trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, do coi trọng quá mức vai trò của các nhân nên HS bị đặt trong tình trạng cô lập và kiến thức mà họ xây dựng được sẽ thiếu tính xã hội.
Kiến tạo xã hội (Social constructivism) nhấn mạnh đến vai trò của các yếu tố văn hóa, các điều kiện xã hội và sự tác động của các yếu tố đó đến sự hình thành kiến thức. Kiến tạo xã hội xem xét các nhân thông qua các mối quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực xã hội. Nhân cách của HS được hình thành thông qua sự tương tác của họ với những người khác.
2.3. Mô hình của dạy học kiến tạo
Chu trình của dạy học kiến tạo gồm các pha chính sau đây:
Tri thức cũ →Dự đoán → Kiểm nghiệm (thử và sai)→Điều chỉnh → Tri thức mới
Do đó tiến trình của dạy học kiến tạo bao gồm 3 bước sau:
Bước 1: Làm bộc lộ quan niệm của HS: Trong bước này giáo viên giúp HS hệ thống, ôn lại các kiến thức cũ có liên quan đến kiến thức mới bằng cách sử dụng các câu hỏi, các bài tập. Sau đó GV hoặc HS sẽ nêu vấn đề ( bài tập, thí nghiệm, câu hỏi,..) từ đó tạo cơ hội cho HS bộc lộ quan niệm của mình về vấn đề học tập.
Bước 2: Tổ chức điều khiển HS thảo luận : GV tổ chức cho HS đề xuất các giả thuyết, kiểm tra giả thuyết (thử và sai) phân tích kết quả và từ đó rút ra kết luận chung cho cả lớp.
Bước 3: Tổ chức cho HS vận dụng kiến thức: GV tổ chức cho HS vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề về lý thuyết cũng như thực tiễn qua đó giúp HS khắc sâu hơn kiến thức mới.
2.4. Ứng dụng CNTT vào tiến trình dạy học kiến tạo
- Xây dựng diễn đàn trực tuyến để cho HS bộc lộ các quan niệm của mình theo từng chủ đề mà giáo viên đặt ra.
- Sử dụng các phần mềm để xây dựng hệ thống câu hỏi ôn tập, kiểm tra các kiến thức cũ, cũng như vận dụng để khắc sâu kiến thức mới cho HS.
- Mô phỏng các quá trình Vật lý, hiện tượng Vật lý để nêu vấn đề.
- Sử dụng các thí nghiệm ảo (TNA) để HS kiểm tra giả thuyết, phân tích kết quả để rút ra các kết luận.
2.5. Ví dụ minh họa
Vận dụng dạy học kiến tạo với sự hỗ trợ của CNTT để xây dựng tiến trình dạy học nội dung ” Định luật bảo toàn cơ năng trong trường hợp trọng lực”(Vật lý 10-chương trình nâng cao)
Bước 1: Làm bộc lộ quan niệm của HS
- Ôn tập, tái hiện: GV nêu các câu hỏi về động năng, thế năng hấp dẫn là những kiến thức cũ có liên quan đến vấn đề đặt ra trong bài học mới.
- Nêu vấn đề:
+ Cho HS quan sát dao động của con lắc đơn, quan sát TNA về bảo toàn năng lượng của con lắc đơn và đặt vấn đề: Trong quá trình chuyển động của con lắc đơn thì động năng và thế năng của con lắc có giá trị thế nào?
+ HS quan sát TNA, thảo luận, trao đổi và bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề đặt ra, sau đó đi đến kết luận: động năng và thế năng có giá trị thay đổi.
+ GV kết luận: động năng và thế năng của con lắc đều biến đổi khi con lắc dao động, nhưng tổng của động năng và thế năng thì như thế nào?
- Tập hợp các ý tưởng của HS: Trong bước này GV tổ chức nhóm 5-7 HS và yêu cầu các nhóm thảo luận để đưa ra ý tưởng: Nếu thả rơi một vật từ độ cao z so với mặt đất thì trong quá trình rơi sẽ có sự biến đổi của động năng và thế năng hấp dẫn, nếu xác định được tổng động năng và thế năng ở hai thời điểm (hai vị trí) khác nhau, so sánh chúng thì sẽ tìm được mối liên hệ giữa hai đại lượng này.
Bước 2: Tổ chức điều khiển HS thảo luận
- Đề xuất giả thuyết: Trong bước này GV tổ chức nhóm 5-7 HS và yêu cầu các nhóm thảo luận để đưa ra giả thuyết là: Tổng động năng và thế năng là không đổi hoặc thay đổi. (nên để hai giả thuyết ngược nhau)
- Kiểm tra giả thuyết: Trong bước này giáo viên cho các nhóm học sinh thực hiện hai bước:
+ Xác định độ biến thiên động năng và thế năng trọng trường tại hai vị trí khác nhau trong trường hợp vật rơi tự do chỉ chịu tác dụng của trọng lực.
+Quan sát phân tích đồ thị của TNA về vật rơi tự do chỉ chịu tác dụng của trọng lực.
- HS phân tích kết quả, trình bày kết quả thu nhận được cho cả lớp.
- Rút ra kết luận chung cho cả lớp: cho HS phát biểu định luật bảo toàn cơ năng cho trường hợp trọng lực.
Bước 3: Tổ chức cho HS vận dụng kiến thức: giải bài tập 2 trang 177-SGK.
3. Kết luận
Trong quá trình dạy học kiến tạo bản thân HS không phải là một cái thùng rỗng để GV rót đầy kiến thức vào đó mà là chủ thể hoạt động trên cơ sở vận dụng những kiến thức hoặc kinh nghiệm đã có từ trước để giải quyết một tình huống mới nảy sinh và sắp xếp kiến thức mới vào hệ thống kiến thức đã có và chỉ khi nào HS tạo được mối liên hệ hữu cơ giữa kiến thức mới và cũ, sắp xếp vào hệ thống kiến thức đã có thì lúc đó kiến thức mới sẽ có giá trị ứng dụng và không bị lãng quên. Do vậy, dạy học kiến tạo đòi hỏi giáo viên phải có vốn sống, kinh nghiệm nghề nghiệp nhất định, khả năng ứng dụng linh hoạt CNTT vào các bước trong tiến trình dạy học, phải là người chuyển hóa các tri thức khoa học thành các tri thức dạy học với việc xây dựng các tình huống dạy học chứa đựng những tri thức cần lĩnh hội, tạo dựng nên môi trường mang tính xã hội để HS kiến tạo nên kiến thức của mình, có thế thì dạy học kiến tạo mới phát huy được ưu thế vượt trội của nó, mới có thể tạo ra những con người lao động sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng dạy học nói chung và bộ môn Vật lý nói riêng.

Tài liệu tham khảo
PGS-TS Nguyễn Quang Lạc. Vận dụng lý thuyết kiến tạo trong đổi mới phương pháp dạy học Vật lý. Tạp chí giáo dục- số 170 (kì 2-8/2007)
Thái Duy Tuyên. Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới. NXB Giáo dục. 2007.
TS Bùi Phương Nga. Vận dụng lý thuyết kiến tạo trong dạy học môn Toán ở Tiểu học. Tài liệu bồi dưỡng giáo viên. Nguyễn Đăng Vương. Khai thác và sử dụng phần mềm Crocodile Physics nhằm nâng cao chất lượng dạy học chương” Các định luật bảo toàn” Vật lý 10-nâng cao. Luận văn thạc sĩ giáo dục học. ĐH Vinh.2009.

THÔNG BÁO

Lý thuyết kiến tạo (LTKT)là một lý thuyết về học tập mà trong những năm gần đây được sự quan tâm đặc biệt của các nhà giáo dục. Bản thân tôi với mong muốn vận dụng một cách có hiệu quả LTKT vào dạy học Vật lý ở trường THPT nên tôi thành lập Blog này với mong muốn được trao đổi chia sẻ các vấn đề về LTKT với tất cả những ai quan tâm đến lý thuyết này.